Nhà máy sản xuất xe điện trị giá của VinFast tại Mỹ dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024.
Thông tin nhà máy sản xuất xe điện VinFast được cấp phép khởi công xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD đang được cả người Mỹ quan tâm.
Theo đó, một trang tin địa phương đã sử dụng flycam để ghi lại toàn cảnh khu đất rộng 800 ha được thương hiệu ô tô Việt Nam chọn để làm nhà máy.
Vì mới đi vào khởi công nên mặt bằng vẫn trong quá trình san lấp và có thêm sự xuất hiện của một số vật liệu xây dựng. Bên ngoài, con đường đi vào rải sỏi để đi vào công trường đã bị chặn để không cho người lạ đi qua. Theo WRAL News, đội ngũ kỹ sư thiết kế của công trình sẽ tới khảo sát và làm việc từ tuần sau.
Nhà máy sản xuất xe điện của VinFast được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham, Bắc Carolina (Mỹ). Tuy không có cảng biển để vận chuyển như nhà máy ở Hải Phòng nhưng khu đất VinFast lựa chọn tiếp giáp gần với 3 trục đường quốc lộ. Với diện tích 800 ha, VinFast đã phải san lấp hơn 10 km suối, 40 ha đất ngập nước.
Trong 2 năm trở lại đây, Bắc Carolina nổi lên một trong những nơi thu hút mới đối với các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Trước VinFast, các công ty công nghệ lớn như Apple, Microsoft hay Google đều đã chọn nơi này để làm trụ sở.
VinFast có kế hoạch bắt đầu hoạt động tại nhà máy ở Bắc Carolina vào năm 2024, dự kiến sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm. Giai đoạn một của dự án bao gồm khoản đầu tư 2 tỷ USD vào một nhà máy có công suất sản xuất 150.000 xe/năm. Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào sản xuất pin.
Vào tháng 11/2021, VinFast đã công bố 2 mẫu xe VF 8 và VF 9 tại Triển lãm ô tô Los Angeles. Công ty cũng giới thiệu thêm 3 mẫu xe điện mới (VF 5, VF 6 và VF 7) tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2022 vào tháng 1/2022 tại Las Vegas, tạo nên dải sản phẩm hoàn chỉnh cho cả 5 phân khúc, từ crossover cỡ nhỏ đến SUV cỡ lớn.
Vào ngày 2/3 vừa qua, 45 chiếc VinFast VF 8 City Edition đầu tiên được bàn giao đồng thời tại 9 cửa hàng VinFast Store tại Mỹ. Những chiếc xe tiếp theo trong lô xe City Edition sẽ được giao tại chuỗi cửa hàng VinFast hoặc chuyển đến nhà khách hàng trong các ngày tới.
Tại xứ cờ hoa, VinFast cũng áp dụng các chính sách bảo hành 10 năm cho xe và pin, dịch vụ sửa chữa di động, cứu hộ 24/7 cho xe… đảm bảo sự an tâm và tiện ích cho người dùng.
Soi quy mô nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ với các ông lớn Tesla
Các nhà sản xuất ô tô điện toàn cầu hiện đang đua nhau tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng xe “xanh” ngày càng mạnh mẽ trên thế giới. Trong đó, việc xây dựng các nhà máy lớn được các hãng xe đặc biệt quan tâm.
Ngày 29/3, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ.
Cụ thể, dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD (tổng mức đầu tư là 4 tỷ USD trong giai đoạn 1 (theo thông tin từ Nhà Trắng) và sẽ tạo ra 7.000 việc làm cho lao động địa phương. Nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha và bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện; khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.
Việc mở rộng sản xuất tại thị trường Mỹ của Vinfast sẽ kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng sản xuất xe điện lớn khác như Tesla, Ford, Rivian,… Họ đã xây dựng các nhà máy với quy mô lớn, chất lượng cao và còn nhiều kế hoạch nâng cấp khác để đẩy mạnh vị trí trong ngành xe điện đầy tiềm năng này.
Trong những ngày đầu Tesla đi vào sản xuất hàng loạt, ông Musk từng bị chế nhạo vì sự tự tin thái quá của mình. Nhưng giờ đây, nhà máy ban đầu của Tesla ở Fremont, bang California đã được xem là nhà máy ô tô có năng suất cao nhất Bắc Mỹ khả năng xuất xưởng 8.550 xe mỗi tuần.
Nhà máy nằm trên một khu đất có diện tích khoảng 150 ha, trong đó phần sử dụng vào khoảng 51 ha – tức là khá khiêm tốn so với quy mô nhà máy của VinFast (800 ha). Nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla là một trong những nhà máy sử dụng nhiều robot nhất trên thế giới. Tại đây có 160 robot chuyên ngành (specialist robots), trong đó 10 robot thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Trong các không gian sản xuất có rất ít sự xuất hiện của con người.
Năm 2013, tại nhà máy có 3000 người lao động. Do các phân xưởng có diện tích rất rộng nên công nhân đi lại trong nhà xưởng phải sử dụng phương tiện xe đạp.
Không những vậy, với sự lớn mạnh nhanh chóng của thương hiệu xe điện, Tesla cũng nhanh chóng mở rộng quy mô nhà máy của mình và đã đưa vào vận hành một Siêu nhà máy vào năm 2016 tại Nevada có diện tích gần nửa triệu m2.
Tại đây, Tesla sản xuất pin, tấm pin mặt trời, giải pháp lưu trữ gia đình và tất nhiên là ô tô điện với sản phẩm chính là mẫu Tesla 3.
Ngoài nhà máy mang tính biểu tượng kể trên, Tesla còn có một nhà máy đặt ở Texas với mức đầu tư 1 tỷ USD, một siêu nhà máy khác mới khai trương ở gần Berlin (Đức) với giá trị đầu tư 5,5 tỷ USD, công suất 5.000-10.000 xe mỗi tuần và 1 siêu nhà máy tại Thượng Hải (Trung Quốc) với công suất khoảng 2.000 xe/ngày.
Tesla cũng chính là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới với hơn 930.000 xe bàn giao đến tay người tiêu dùng trong năm 2021.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Dù vô vàn khó khăn nhưng quyết tâm làm và sẽ làm cho bằng được
Chủ tịch HĐQT VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ: VinFast là dự án kinh doanh nhưng có sứ mệnh cao cả. Vì lẽ đó, “dù vô vàn khó khăn, ban lãnh đạo quyết tâm làm và sẽ làm cho bằng được”.
Giữa bối cảnh xe điện VinFast thâm nhập thị trường Mỹ đầy thách thức, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup đã có những phát biểu đầy tâm huyết trước các nhân viên của mình trong một buổi đào tạo nội bộ gần đây.
Mở đầu buổi hội thảo này, ông Phạm Nhật Vượng đã nhấn mạnh: “VinFast không làm chính trị, cũng không lẫn lộn kinh doanh với công việc xã hội. VinFast rõ ràng là một dự án kinh doanh. Chỉ có điều VinFast là dự án kinh doanh được lập ra với sứ mệnh cao cả. Đó là xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam cao cấp và có đẳng cấp trên thị trường quốc tế”.
“Dự án này không chỉ để người Việt Nam tự hào mà tất cả những người tham gia vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu này dù họ đang ở đâu và mang quốc tịch nào đều có thể tự hào. Vì đây là sản phẩm phục vụ cho việc phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, giúp cho nhân loại có cuộc sống an toàn hơn, tốt hơn”, ông Phạm Nhật Vượng nói.
Người sáng lập VinFast khẳng định với các nhân viên: “Chính vì sứ mệnh cao cả này, nên dù vô vàn khó khăn, ban lãnh đạo Tập đoàn quyết tâm làm và sẽ làm cho bằng được”.
Ông cũng thẳng thắn nêu ra 3 khó khăn của VinFast: xuất phát điểm rất thấp, chuẩn mực hướng tới lại rất cao với sản phẩm công nghệ có độ phức tạp lớn và nguồn vốn cần đầu tư lớn.
Trong điều kiện đó, để đáp ứng 3 cam kết trọng tâm của VinFast cho khách hàng là sản phẩm tốt, giá tốt, dịch vụ hậu mãi cực tốt thì còn rất nhiều việc phải làm và phải làm ngay.
Ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ: “Việc xây dựng thương hiệu quốc gia đẳng cấp quốc tế không phải là việc mà một doanh nghiệp có thể tự mình làm nên mà cần sự ủng hộ của cả dân tộc. VinFast tiên phong, làm gương và kêu gọi sự đồng hành của tất cả mọi người và trước hết là người VinGroup phải hiểu, tự hào và hành động cho niềm tự hào đó”.
“Trước hết, sẽ thật không đúng nếu người VinGroup, VinFast không lan toả được tinh thần đó, lại không hiểu hết được các giá trị, cam kết trọng tâm cũng như sứ mệnh và giá trị mà VinFast dành cho khách hàng”, chủ tịch Tập đoàn VinGroup nhắc nhở.
Ông Phạm Nhật Vượng thẳng thắn nói với nhân viên: “Chúng ta đang làm việc rất kém và cần phải thay đổi”.
“Đồng thời, có 3 cam kết trọng tâm chúng ta cũng làm chưa tốt. Xe vẫn còn nhiều lỗi dù đã khắc phục nhanh được phần lớn các lỗi. Kinh doanh thì chỉ biết khuyến mại, hậu mãi thì yếu. Tất cả việc này chúng ta phải chấn chỉnh trong tháng 3 này”, chủ tịch Phạm Nhật Vượng đánh giá.
Sau những thông tin tóm lược cơ bản đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã yêu cầu các nhân viên của mình phải chủ động hành động để hiện thực hoá 3 cam kết trên.
Đầu tiên là luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ tất cả mọi người. 70.000 cán bộ nhân viên là 70.000 nguồn tin giúp VinFast lắng nghe ý kiến khách hàng và nhanh chóng cải thiện sản phẩm, dịch vụ.
Thứ hai là lan toả các giá trị để khách hàng hiểu được giá trị thực sự của các sản phẩm.
“Không có lý do gì khách hàng phải lo lắng khi sử dụng sản phẩm của VinFast. Nếu có bất kỳ điều gì phát sinh, VinFast sẽ chịu trách nhiệm bảo hành chu đáo, cực tốt trong vòng 10 năm. Chúng ta bảo hành 10 năm, các hãng chỉ bảo hành 5 năm, tại sao khách hàng còn phải lo lắng?”, ông Vượng phân tích.
Điều cuối cùng, người đứng đầu VinGroup yêu cầu các nhân viên “hãy tự mình trải nghiệm sản phẩm của VinFast rồi so sánh với sản phẩm của các thương hiệu nhập khẩu khác để thấy sự khác biệt rõ nét về giá trị”.
“Sản phẩm tốt, giá tốt và dịch vụ hậu mãi cực tốt” là lời hứa thương hiệu mà bất kỳ người VinGroup, người VinFast nào cũng phải có trách nhiệm chung tay thực hiện và tự hào về điều đó”, chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.
Những thông điệp trên được Chủ tịch VinGroup đưa ra trong bối cảnh có khá nhiều thông tin gây tranh cãi về chiến lược “mang chuông đi đánh xứ người” của VinFast trên đất Mỹ. Trong đó, việc cần huy động nguồn vốn lớn và các kế hoạch cắt giảm nhân sự để tái cơ cấu bộ máy ít nhiều làm dấy lên thông tin hoài nghi về sự ổn định của VinFast.
Do đó, giai đoạn hiện tại đang chứng kiến những thời khắc quan trọng mang tính sống còn cho hình ảnh của hãng xe điện “Made in Vietnam”.
Ngày 1/3, sau 2 lần phải trì hoãn, VinFast đã bàn giao 45 chiếc xe điện VF 8 City Edition đầu tiên cho khách hàng Mỹ tại 9 cửa hàng VinFast Store. Đây là những chiếc xe đầu tiên trong số 999 chiếc đã rời cảng Hải Phòng để sang Mỹ ngày 25/11/2022.
Cuối tháng 2/2023, hãng xe điện Việt Nam đã chính thức được cấp phép khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp xe điện tổng vốn 4 tỷ USD tại Bắc Mỹ.
Theo VinFast, lượng đơn đặt hàng ở thị trường quốc tế được ghi nhận là 65.000 xe điện VinFast VF 8 và VF 9. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới Canada và châu Âu trong năm nay.
Đáng chú ý, theo IRIS (cơ quan thuế thuộc Bộ Tài chính Mỹ) vừa công bố, xe điện VF đã lọt vào danh sách đạt điều kiện cho Chương trình ưu đãi xe điện của Mỹ, nghĩa là khách mua xe VF cũng sẽ được hưởng ưu đãi 7.500 USD của Chính phủ Mỹ.
Thị trường nước ngoài là mục tiêu số 1 của VinFast trong năm 2023. Sự thành bại của VF 8, VF 9 cũng chính là mấu chốt quyết định kết quả của kế hoạch IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ tới đây của Tập đoàn này.
Tại Việt Nam, VinGroup có xuất phát điểm là Tập đoàn chuyên đầu tư, kinh doanh bất động sản, khu du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ. Từ năm 2019, VinGroup chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao.
Theo đó, VinFast được thành lập, ban đầu sản xuất xe xăng nhưng từ năm 2021, tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố khai tử xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện. Đây được coi là dự án đầu tư mạo hiểm nhất nhưng cũng là cuộc chơi hấp dẫn nhất của VinGroup trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Theo Thể thao văn hóa, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Các ông lớn xe điện thế giới đối diện nguy cơ thua lỗ do nhu cầu thị trường giảm dần, VinFast có bị ảnh hưởng?
- VinFast hoãn việc vận hành nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ đến năm 2025: “Chúng tôi cần thêm thời gian để hoàn thành các thủ tục hành chính”
- “Vua xe điện” Tesla sắp xây nhà máy mới tại Đông Nam Á, dự định ra lò 1 triệu chiếc mỗi năm: VinFast cần làm gì?