“Vua xe điện” Tesla của tỷ phú Elon Musk luôn là thương hiệu lớn, đi đầu trong ngành xe điện nhưng vẫn thua BYD của Trung Quốc ở điểm này?
Trong khi Tesla (thương hiệu được coi là hàng đầu ngành) thường xuyên nghiên cứu và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến – vốn rất khó để bắt chước, đối thủ BYD từ Trung Quốc lại có số lượng bằng sáng chế nhiều gấp 16 lần, được coi là một tấm khiên pháp lý bảo vệ các nghiên cứu về công nghệ pin.
BYD có số bằng sáng chế nhiều hơn Tesla 16 lần.
Tính từ lúc được thành lập vào năm 2003 tới năm 2022, Tesla đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho 836 sáng chế; cùng khoảng thời gian này, đối thủ BYD từ Trung Quốc lại có hơn 13.000 bằng sáng chế, tức gấp 16 lần so với Tesla.
Một luật sư về sở hữu trí tuệ, ông Hideto Kono, nhận định rằng với một đơn vị có quy mô cỡ Tesla thì số bằng sáng chế “ít nhất phải gấp 10 lần như vậy”.
Trong số hơn 13.000 bằng sáng chế của BYD thì có hơn một nửa liên quan đến pin dùng cho xe điện.
Với những cải tiến này, BYD có thể tự sản xuất pin mà không cần nhờ tới một nhà cung cấp khác, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất của pin nói riêng và xe điện nói chung. Đây thực ra lại là một điều mà Tesla chưa làm được.
Dù có nghiên cứu và phát triển các loại pin khác nhau nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng, nhưng Tesla đang dựa vào nhiều nhà cung cấp pin khắp thế giới, như: CATL, LG Energy Solutions, Panasonic, hay thậm chí cả BYD.
Lý do khiến BYD rất quan tâm tới việc bảo vệ chất xám của mình là bởi các đơn vị khác hoàn toàn có thể học được công nghệ của BYD bằng cách tháo pin của hãng ra nghiên cứu. Vì thế mà việc đăng ký sở hữu trí tuệ và được bảo vệ là điều rất được hãng quan tâm.
Thế mạnh của BYD có mối liên hệ mật thiết với loại pin LFP họ dùng, vốn có chi phí sản xuất thấp hơn các loại pin Li-ion khác. Ngược lại, các nhà sản xuất pin của Nhật, Hàn lại thường làm các loại pin sử dụng các kim loại đắt tiền như niken, côban.
Bên cạnh đó, BYD cũng ứng dụng phương pháp sản xuất tân tiến trên nền tảng e-platform 3.0 mà nhiều hãng xe điện đang làm, đó là tích hợp pin vào khung gầm của xe thay vì lắp pin vào một pack riêng biệt rồi mới bắt vào khung.
BYD cung cấp pin LFP cho những chiếc Tesla Model 3 sản xuất ở nhà máy Thượng Hải.
Tesla lại có một hướng tiếp cận khác trong việc cải tiến xe. Họ cố gắng tối ưu công nghệ sản xuất và phần mềm. Những cải tiến này thường xảy ra với nhà máy chứ không thực sự nằm ở chiếc xe mà có thể bị các đơn vị khác phỏng theo.
Đăng ký và được công nhận sở hữu trí tuệ (trong một khoảng thời gian nhất định) giúp đơn vị sở hữu an tâm sử dụng, nhưng hồ sơ nộp lên lại chứa toàn bộ thông tin chi tiết, khiến cho các đơn vị khác có thể làm lại theo một phương thức khác. Trong khi đó, theo luật sư Hideto Kono: “Công nghệ sản xuất thường không được đăng ký”.
Những cải tiến ở phần mềm vốn sử dụng các thông tin sẵn có được công bố rộng rãi, nên lĩnh vực này ít khi cần tới bằng sáng chế.
Tesla hiện được coi là đơn vị đầu ngành trong việc cắt giảm chi phí sản xuất xe điện, với những cải tiến như sử dụng máy đúc/dập siêu lớn (Gigacasting).
Với Gigacasting, thay vì hàn nhiều chi tiết kim loại để có được một bộ phận thì máy sẽ đúc và dập một tấm kim loại liền lạc. Ví dụ tiêu biểu chính là mẫu Tesla Model Y, thay vì hàn 171 chi tiết lại thì nay máy đã dập thành 2 chi tiết lớn.
Các khu vực màu xanh được sản xuất bằng máy dập/đúc lớn.
Hồi tháng 3, Tesla cũng đã mô phỏng một cải tiến trong sản xuất mà hãng sẽ sớm áp dụng. Tesla gọi phương pháp này là “Unboxed Process” mà hãng cho rằng giống cách các nhà sản xuất máy tính và điện thoại đang áp dụng.
Theo đó, thay vì lắp đặt lần lượt từng bộ phận vào khung xe, Tesla sẽ chia một chiếc xe làm 6 cụm; công nhân hoặc robot sẽ lắp ráp từng cụm rồi ghép 6 cụm lại thành một chiếc xe hoàn chỉnh.
Phương pháp sản xuất thông thường của Tesla.
Phương pháp sản xuất mới “Unboxed Process”.
Theo: Phụ Nữ Số
Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà: Nhà máy pin của Vingroup “xịn” ngang tầm Tesla, có đủ công nghệ khủng nhất của Tesla, Samsung, BYD
VinES, một thành viên của Tập đoàn Vingroup là đơn vị sẽ phát triển các mẫu pin phù hợp với thiết kế các mẫu xe Evgo của Tập đoàn Sơn Hà trong tương lai.
Mới đây, Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES – một thành viên của Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Sơn Hà trong việc cung cấp pin cho xe máy điện Evgo.
VinES là doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin chất lượng cao ứng dụng cho xe điện và các giải pháp về năng lượng xanh.
Với nhà máy sản xuất cell pin và pack pin tại khu phức hợp VinFast Hải Phòng (TP. Hải Phòng) và nhà máy tại khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), VinES hiện là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài mục tiêu tự chủ cung cấp pin cho xe điện VinFast, từ năm nay VinES đang hướng tới phục vụ các đối tác trong và ngoài nước nhiều sản phẩm khác nhau không chỉ riêng pin xe điện.
Trong khi đó, Tập đoàn Sơn Hà vốn nổi tiếng trên thị trường với các sản phẩm bồn nước năng lượng mặt trời, đã bất ngờ tuyên bố bước chân vào ngành xe điện. Lĩnh vực sản xuất xe máy điện được Sơn Hà nghiên cứu từ năm 2018 (hợp tác công nghệ với Tập đoàn Bosch – CHLB Đức và Tập đoàn Ecooter).
Năm 2020, doanh nghiệp này chính thức khánh thành nhà máy và sản xuất sản phẩm xe hai bánh chạy điện mang nhãn hiệu Evgo, với mục tiêu trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất xe điện lớn ở Việt Nam, chiếm 10-20% thị phần.
Mới đây, ông Hoàng Mạnh Tân – Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà đã chia sẻ với truyền thông về lý do lựa chọn VinES làm nhà cung cấp pin lithium cho những mẫu xe máy điện Evgo: ” Chúng ta là người Việt Nam trước tiên phải yêu nước. Cái gì chúng ta đang nhập khẩu mà trong nước có người sản xuất được, chất lượng tốt thì nên ưu tiên thậm chí giá ban đầu có thể cao bằng hoặc hơn.
Ngoài ra, chúng tôi có niềm tin với VinES, tôi đã đi thăm rất nhiều nhà máy của các hãng sản xuất pin lớn trên thế giới từ LG, Samsung, CATL, BYD thậm chí Tesla – những nhà máy vô cùng khủng khiếp nhưng khi đi thăm nhà máy pin của VinES thì tất cả những công nghệ đó cũng có ở đây” .
Về mối quan hệ hợp tác giữa VinES và Evgo, trước mắt cả hai sẽ cùng cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện về pin, trạm sạc và hệ sinh thái dành cho xe điện do hai đơn vị sản xuất, mang đến cho khách hàng những sản phẩm xe máy điện và hệ thống hạ tầng đồng bộ, tiện lợi.
Trong đó, VinES sẽ cùng với Sơn Hà phát triển các mẫu pin phù hợp với thiết kế của các mẫu xe Evgo trong tương lai.
Vào bên trong nhà máy Pin VinES gần 4000 tỷ sắp vận hành tại Hà Tĩnh xem có gì?
Sau hơn 1 năm xây dựng và lắp ráp thiết bị, theo kế hoạch dự án Nhà máy sản xuất Pin VinES do Tập đoàn Vingroup đầu tư gần 4000 tỷ sẽ đi vào vận hành vào cuối tháng 3/2023.
Dự án Nhà máy sản xuất Pin VinES xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư lần đầu tại quyết định số 121/QĐ-KKT ngày 19/10/2021, điều chỉnh lần 1 tại quyết định số 21/QĐ-KKT ngày 3/3/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.784 tỷ đồng.
Toàn bộ hạ tầng của nhà máy gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo công suất 100.000 pack pin/năm.
Giai đoạn 2 nhà máy sẽ được mở rộng để sản xuất các tế bào pin và nâng cao công suất lên 1 triệu pack pin/năm.
Mới đây, đoàn công tác Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội đã có buổi tham quan nhà máy.
Đến nay, nhà máy đã hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục dự án và đang triển khai lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất.
Đoàn được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chuyên gia của nhà máy giới thiệu về hệ thống công nghệ lắp ráp hiện đại tại nơi đây.
Những bobot tự động tại nhà máy.
Với mức độ tự động cao trên 80%, đây sẽ là nhà máy sản xuất pin hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, khối lượng lắp đặt máy móc đạt khoảng hơn 80%, dự kiến cuối tháng 3/2023, nhà máy sẽ đưa vào vận hành thử.
Các kỹ sư giới thiệu về hệ thống trong nhà máy sản xuất pin cho các nhà khoa học trong đoàn.
Dự án đi vào hoạt động sẽ cung cấp pin lithium cho các dòng xe ô tô điện và bus điện của VinFast.
Ngoài dự án Pin VinES sắp đi vào vận hành thử, Vingroup cùng đôi tác là GOTION đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất pin lithium có tổng mức đầu tư hơn 6.329 tỷ đồng.
Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách tỉnh và giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội.
Nhà máy có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư hiện đại, hàng đầu thế giới.
Mọi hoạt động, khâu lắp ráp bên trong nhà máy được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật làm việc với công suất cao nhất để sớm đưa nhà máy đi vào vận hành đúng kế hoạch.
Theo Nhịp sống thị trường, Tổng hợp