Mercedes-Benz Việt Nam bắt đầu triệu hồi 432 chiếc sedan hạng sang E180, E200 và E300 để kiểm tra và thay thế cụm bơm nhiên liệu.
Theo thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân triệu hồi là do bơm nhiên liệu trên những xe này có thể không đáp ứng các thông số kỹ thuật. Do đó, chức năng bơm nhiên liệu có thể bị suy giảm trong một số điều kiện nhất định và bơm nhiên liệu có thể bị ngừng hoạt động.
Khi bơm nhiên liệu bị lỗi, xe có thể tự động mất lực đẩy. Điều này có thể gây ra rủi ro va chạm hoặc tai nạn khi xe vận hành trên đường.

Toàn bộ số xe nằm trong diện triệu hồi đều được Mercedes-Benz Việt Nam sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2023. Các mẫu xe hạng sang Mercedes-Benz E180, E200 và E300 nằm trong diện triệu hồi đều mang số loại W213. Đây là những mẫu xe thuộc dòng sedan hạng sang cỡ trung E-Class ra mắt hồi tháng 3/2021.
Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và quyền lợi người tiêu dùng, Mercedes-Benz Việt Nam tiến hành triệu hồi các xe bị ảnh hưởng để kiểm tra, thay cụm bơm nhiên liệu như một biện pháp phòng ngừa.
Đối với các xe thuộc diện ảnh hưởng, chủ sở hữu cần đưa xe đến các nhà phân phối ủy quyền của Mercedes-Benz Việt Nam trên toàn quốc để được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất. Hoạt động triệu hồi được thực hiện hoàn toàn miễn phí.
Đợt triệu hồi hiện đã bắt đầu được thực hiện và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2027. Thời gian kiểm tra và thay thế cụm bơm nhiên liệu dự kiến mất khoảng 1,5 giờ cho mỗi xe.
Đối với những xe E180, E200 và E300 được nhập khẩu vào Việt Nam theo dạng di chuyển tài sản, ngoại giao, cá nhân hoặc do công ty khác nhập khẩu thuộc diện triệu hồi theo công bố Mercedes-Benz AG, nếu được yêu cầu, các nhà phân phối ủy quyền của Mercedes-Benz Việt Nam sẽ sẵn sàng trợ giúp, liên hệ để kiểm tra thông tin và sửa chữa miễn phí theo chương trình triệu hồi.
Trường hợp người tiêu dùng muốn kiểm tra thông tin xe đang sở hữu có nằm trong danh sách ảnh hưởng của chương trình không, khách hàng có thể liên hệ tới Mercedes-Benz Việt Nam hoặc các đại lý chính hãng để được hỗ trợ.
Theo: GTVT
Chỉ khoảng 3 năm nữa xe điện sẽ rẻ ngang thậm chỉ rẻ hơn xe xăng nhờ phương thức và kỷ thuật sản xuất được cải tiến
Các nghiên cứu chỉ ra rằng chi phí sản xuất ô tô điện sẽ sớm rẻ hơn ô tô sử dụng động cơ đốt trong, giúp cho giá bán của hai dòng xe có thể ngang bằng nhau trong tương lai.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, chỉ trong vòng 3 năm tới, chi phí sản xuất ô tô điện sẽ rẻ hơn so với các xe chạy bằng động cơ đốt trong có cùng kích thước.
Từ đó, giá bán lẻ xe ô tô điện sẽ được kéo xuống ngang bằng, thậm chí có thể rẻ hơn xe động cơ đốt trong vào năm 2027.

Điều này có được là nhờ kỹ thuật và phương pháp sản xuất ngày càng được cải tiến. Trong đó, Gartner lấy công nghệ Gigacasting của Tesla làm ví dụ điển hình.
Về cơ bản, đây là công nghệ tiên tiến cho phép đúc gần như toàn bộ gầm xe điện thành một tấm nguyên khối.
Nhờ đó, nhà sản xuất xe điện sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân công, chi phí và không gian nhà máy, thay thế nhiều robot hàn các bộ phận ô tô lại với nhau bằng một máy duy nhất. Công nghệ này cũng cho phép các hãng rút ngắn vòng đời của dòng sản phẩm, từ đó đưa ra các mẫu mã mới nhanh hơn.
Tuy nhiên theo công ty Gartner, dù công nghệ Gigacasting của Tesla có thể giúp hạ thấp chi phí và thời gian sản xuất nhưng lại khiến chi phí sửa chữa bị đội lên cao.
Bởi lẽ khi nhiều bộ phận được sản xuất thành một khối, khi xảy ra hỏng hóc ở một chi tiết, khả năng phải sửa cả phần khác hoặc tháo dỡ cả xe để tiếp cận được bộ phận bị hỏng là rất cao.
Theo Automotive News, chi phí sửa xe điện trung bình hiện tại là 4.474 USD. Tuy nhiên, các báo cáo của họ lại chỉ ra rằng chủ xe thực tế phải bỏ ra trung bình tới 5.552 USD để sửa phương tiện. Con số này cao hơn 27% so với mặt bằng chung của thị trường.

Công ty Gartner dự đoán rằng đến năm 2027, chi phí sửa chữa trung bình của một “tai nạn nghiêm trọng” liên quan đến thân và pin xe điện sẽ tăng lên 30%.
Thậm chí một số xe bị hỏng nặng có thể sẽ phải bỏ đi bởi chi phí sửa chữa có thể vượt quá giá trị còn lại của xe. Bên cạnh đó, việc chi phí sửa chữa xe điện đắt hơn có thể dẫn đến giá bảo hiểm cũng tăng theo.
Theo: Tienphong
“Anh hàng xóm khó tính” thử nghiệm thành công “taxi bay” điện không người lái đầu tiên trên thế giới
Công ty Công nghệ AutoFlight Thượng Hải, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công chuyến bay liên thành phố đầu tiên trên thế giới với một chiếc “taxi bay” điện trong nỗ lực cách mạng hóa du lịch.
AutoFlight – công ty công nghệ cao của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải là nhà sản xuất eVTOL (máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện).

Vào ngày 27 tháng 2 vừa qua, công ty này đã thực hiện chuyến bay liên thành phố đầu tiên trên thế giới.
Chiếc máy bay này đã cất cánh lên bầu trời mà không có người lái, khởi hành từ cảng Xà Khẩu Cruise Home ở thành phố Thâm Quyến và đáp tại cảng Cửu Châu ở thành phố Chu Hải, đều thuộc miền Nam Trung Quốc.

Thời gian của chuyến bay chỉ trong vòng 20 phút với quãng đường dài hơn 55 km, trong khi đó nếu di chuyển bằng ô tô thì phải mất tới 3 tiếng.

Chiếc eVTOL được đặt tên là Prosperity (Thịnh Vượng), có phạm vi hoạt động lên đến 250 km, vận tốc tối đa là 200 km/h và có thể chở tối đa 5 người. “Taxi bay” điện hoạt động mà không cần sân bay và đường băng truyền thống.

Điểm đặc biệt của Prosperity là khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như một trực thăng, sau đó sẽ chuyển sang chế độ bay cánh cố định như máy bay truyền thống.

So với trực thăng, Prosperity có những ưu điểm như độ an toàn cao, chi phí hành khách thấp, chi phí bảo trì thấp, không gây nhiều tiếng ồn, công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.

Nó được vận hành hoàn toàn bằng điện và hành khách có thể đặt chuyến đi một cách thuận tiện thông qua ứng dụng điện thoại, cho phép di chuyển nhanh trong đô thị và liên thành phố.

Tian Yu – Người sáng lập/Giám đốc điều hành và đồng chủ tịch của AutoFlight cho biết, công ty đã có kế hoạch hợp tác với các nhà chức trách địa phương và đối tác quốc tế.
Tham khảo: The Sun