Nhóm sinh viên Đại học Lạc Hồng chế tạo xe đua Go-kart (F1 mini) chạy công nghệ hybrid với nhiên liệu xăng và điện, đạt tốc độ tối đa lên tới 75 km/h.
Nhóm sinh viên Lê Ngọc Tuấn Anh và Nguyễn Đình Chiến và Trần Tiến Anh, khoa cơ – điện tử phát triển loại xe này khi tham gia cuộc thi thiết kế xe Go-kart do trường tổ chức.
Trưởng nhóm Lê Ngọc Tuấn Anh cho biết, các xe Go-kart trên thị trường chủ yếu sử dụng động cơ xăng. Chiếc go-kart nhóm chế tạo sử dụng động cơ hybrid, trong đó máy xăng của xe Honda GX200, là loại xi-lanh đơn 4 thì, dung tích 196 phân khối.
Môtơ điện là loại xoay chiều, công suất tối đa 1 kW. Xe đạt tốc độ tối đa 75 km/h. Xe đã chạy 68 km, tiêu hao hơn 3 lít xăng. Nguồn điện cho động cơ điện tích hợp trong pin lithium 48V thời gian sử dụng 40 phút.
Video Thiết kế và thử nghiệm hoạt động xe Go-kart chạy điện và xăng. Video: NVCC
Bắt đầu nghiên cứu xe Go-kart từ tháng 9/2021, ba sinh viên tạo ra mô hình xe hybrid gồm các bộ phận như động cơ đốt trong, động cơ điện, hộp số CVT, hộp số lùi, cơ cấu lái, phanh, hệ thống điện, truyền tải…
Phần khung được coi là bộ phận quan trọng của xe được thiết kế giúp khả năng đạt tốc độ cao. Khung xe, bệ đỡ động cơ làm bằng sắt, cơ cấu truyền động làm bằng nhôm, hộp đựng thiết bị điện làm bằng nhựa… Xe có chiều dài 1,5 m, rộng 1 m, cao 1,2 m, nặng khoảng 200 kg.
Tuấn Anh cho biết, hiện xe hoạt động hai động cơ cùng lúc. Sắp tới, nhóm tiếp tục phát triển bộ điều chỉnh tự động theo vận tốc và thao tác người lái để luân phiên sử dụng động cơ xăng và điện tương tự các loại ôtô hybrid trên thị trường.
“Nhóm từng làm thử bộ điều chỉnh này nhưng nó không hoạt động theo ý muốn nên sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thời gian tới”, Tuấn Anh nói.
Theo nhóm, việc kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện sẽ giúp khởi động xe nhanh hơn, cũng như đạt tốc độ cao trong thời gian ngắn.
Theo tính toán, xe có giá khoảng 20 triệu đồng, một số sản phẩm cùng loại trên thị trường có giá khoảng 30 triệu đồng.
Tuấn Anh kỳ vọng mức chi phí hợp lý cùng với sự phát triển các đường đua tại Việt Nam, sản phẩm có thể đến với nhiều người đam mê trở thành tay đua F1.
Theo TS Hoàng Ngọc Tân, trưởng bộ môn kỹ thuật ôtô, Đại học Lạc Hồng, công nghệ hybrid đã được phát triển trên nhiều dòng ôtô trên thị trường, tuy nhiên riêng với Go-kart chưa có nhiều đơn vị trong nước ứng dụng.
Ông cho rằng, việc nhóm đưa ý tưởng sử dụng công nghệ hybird trên xe Go-kart là rất đáng khích lệ. Việc sử dụng hai nguồn năng lượng giúp xe thải ít khói hơn, nhưng để đánh giá yếu tố tiết kiệm năng lượng hơn so với xe chạy xăng thông thường cần có dữ liệu mới khẳng định.
Go-kart còn gọi là F1 mini là xe đua bốn bánh nhỏ, xuất xứ ở Mỹ trong những năm 1950, sau đó phổ biến ở nhiều nước châu Âu. Đây được coi là loại xe “nhập môn” của những tay đua F1 khi họ sử dụng để tập luyện và lái trên đường đua.
Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây đã hình thành những trường đua tại Bình Dương theo chuẩn quốc tế dành cho Go-kart.
Go Kart là gì?
Go Kart là một loại xe bốn bánh có kích thước nhỏ và trọng tâm thấp. Trọng tâm thấp và khoảng sáng gầm trung bình dưới 100mm giúp cho xe vận hành ổn định hơn, hạn chế lật khi vào cua.
Dòng xe này sở hữu các phiên bản đa dạng, từ những mẫu xe không động cơ cho đến những cỗ máy đua trang bị công suất lớn, có khả năng vượt cả mô tô hay ô tô trên các chặng đua đường dài.
Đua xe Go Kart còn được biết đến là một môn thể thao tốc độ có lịch sử lâu đời trên thế giới và đến nay vẫn liên tiếp được tổ chức cũng như nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới yêu xe. Hiện nay, các giải đua xe Go Kart ngày càng phát triển với những giải đấu có quy mô khác nhau được tổ chức. Một số trường đua Go Kart chuyên nghiệp cũng chính thức có mặt tại Việt Nam, phục vụ nhu cầu giải trí của cộng đồng đam mê tốc độ. Tuy nhiên, đây là trò chơi mạo hiểm, đòi hỏi người tham gia phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Thể trạng tốt: Người chơi phải đảm bảo sức khỏe tốt về thể chất và tinh thần trước khi tham gia Go Kart. Bộ môn mạo hiểm này hoàn toàn không dành cho những ai có tiền sử bệnh về hô hấp hoặc tim.
– Trang bị đồ bảo hộ cần thiết: Bao gồm quần áo, bao tay, giáp chân, tay và mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo khung quốc tế (VD: tiêu chuẩn châu Âu EN13594:2015).
Các trang phục bảo hộ được chế tạo chủ yếu với chất liệu da, vải bò,… để tăng khả năng chống mài mòn, đảm bảo hiệu ứng khí động học tốt, góp phần giảm tối đa tổn thương khi va chạm. Bên cạnh đó, người dùng cần trang bị mũ bảo hiểm loại Fullface hoặc ¾ ôm sát đầu nhưng vẫn tạo cảm giác thoải mái, dễ dàng cử động.
2. Cấu tạo của xe Go Kart là gì?
Điểm đặc biệt trong cấu tạo xe Go Kart là thiết kế đơn giản, không lắp đặt các hệ thống hỗ trợ điều khiển (bộ vi sai, trợ lực vô lăng,…) như các dòng ô tô, xe đua khác. Cụ thể, cấu tạo cơ bản của một mẫu Go Kart tiêu chuẩn gồm các bộ phận sau:
– Vô lăng 3 chấu: Hỗ trợ truyền lực đến trục lái và điều hướng hai bánh trước dựa trên cơ cấu thuần cơ khí. Khi lái yêu cầu người tham gia hoặc vận động viên có thể lực tốt và sự dẻo dai để làm chủ tay lái.
– Bình xăng: Vị trí đặt dưới vô lăng, lượng nhiên liệu được tính toán kỹ lưỡng để hạn chế tiêu hao, giảm trọng lượng và hỗ trợ xe tăng tốc tốt trong cuộc đua.
– Hai bàn đạp: Gồm phanh trái và ga phải được điều chỉnh sao cho vừa vặn và phù hợp với thể trạng người lái.
– Trục truyền động: Thiết kế hoàn toàn cơ khí khiến phản hồi từ chân người lái đến phanh, ga gần như ngay lập tức, góp phần kiểm soát tốc độ hiệu quả.
– Trục phía sau: Gồm phanh đĩa có rãnh thông gió phía bên trái và bánh răng truyền động phía bên phải góp phần tăng lực ma sát và duy trì sự ổn định của hệ thống phanh.
– Ghế xe: Thiết kế ghế xe ôm sát người lái, cố định vị trí ngồi giúp hạn chế dịch chuyển trong quá trình điều khiển, đặc biệt là khi vào cua, đảm bảo an toàn cho người lái. Ngoài ra, ghế xe được làm từ chất liệu nhựa pha sợi thủy tinh có tác dụng giảm trọng lượng tổng giúp xe di chuyển linh hoạt và tăng tốc vượt trội hơn.
– Lốp xe: Có hai loại chính gồm lốp trơn phục vụ chạy đường khô và lớp có gai dành cho đường ướt, cả hai loại đều gia tăng độ bám đường, hạn chế tình trạng trơn trượt, lật xe, đặc biệt là khi qua khúc cua.
– Phần đuôi xe: Bộ phận này có lắp đặt hệ thống cản ba mảnh KG, có khả năng điều chỉnh độ rộng để phù hợp với nhiều dòng Go Kart, góp phần bảo vệ vỏ xe, hạn chế hư hỏng do va chạm.
Đặc biệt, xe đua Go Kart tiêu chuẩn không được lắp đặt hộp số, do đó người điều khiển phải đạp cần ga bên phải để di chuyển xe tiến về phía trước và đạp phanh bên trái để dừng lại.
Theo Vnexpress, tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Việt Nam có thể đăng cai trở lại giải đua xe F1 2024: Ngày Mỹ Đình rực sáng sau 3 năm “bất động” bởi những cỗ máy chục triệu USD sẽ không còn xa?
- “Xe đua đường phố” Honda Civic Type R 2023 đầu tiên ra biển số tại Việt Nam, lăn bánh chát hơn cả BMW 5-Series
- Vingroup giải thể công ty Việt Nam Grand Prix vốn 1.000 tỷ đồng, khép lại giấc mơ đua xe F1 của người Việt Nam