Lynk & Co là một hãng xe đến từ Trung Quốc, đây chính là thương hiệu thứ 3 bán chính hãng tại Việt Nam trong năm 2023, định vị hạng sang với kế hoạch ban đầu bán 3 mẫu SUV và 1 mẫu sedan.
Chiều 5/8 tại Hà Nội, Lynk & Co công bố lễ ra mắt và chính thức phân phối tại Việt Nam thông qua GreenLynk – một công ty con nằm trong tập đoàn Tasco vốn có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giao thông, vận tải và dịch vụ ô tô. Thông cáo cho biết, GreenLynk có cổ đông chi phối là Bắc Âu Auto – đơn vị phân phối chính hãng của Volvo tại Việt Nam.
Tại lễ ra mắt, ông Liu Xiangyang, Phó Chủ tịch cấp cao của Geely Auto, khẳng định: “Hãng sẽ cam kết lâu dài và bền vững trong định hướng phát triển tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới”.
Sự kiện có sự tham gia của các quan chức cấp cao tỉnh Bắc Giang. Đây là tín hiệu khá rõ ràng cho thấy Lynk & Co có thể đặt nhà máy lắp ráp tại đây. Tuy nhiên, phía Lynk & Co và GreenLynk chưa lên tiếng xác nhận thông tin này.
Cũng tại buổi lễ, ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Tasco, nhắc tới sự thành công của Volvo tại Việt Nam bằng vị trí thứ 3, “đôi khi là thứ 2, chỉ sau Mercedes-Benz Việt Nam”. Theo ông, đây là nền tảng vững chắc để Tasco tin vào sự thành công của Lynk & Co trong thời gian tới. Bản thân ông khẳng định mình sẽ là người Việt Nam đầu tiên mua xe Lynk & Co, thậm chí là tới 2 chiếc, trong đó có mẫu 09.
Hãng xe Trung Quốc cho biết, 4 sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam sẽ được giới thiệu vào tháng 10 tới đây, gồm: Lynk & Co 01, 03, 05 và 09.
Lynk & Co 01
Đây là mẫu xe thuộc phân khúc crossover hạng C, cùng cỡ Mazda CX-5, Kia Sportage, Hyundai Tucson, Honda CR-V hay Ford Territory. Tuy nhiên, Lynk & Co được định vị ở phân khúc cao cấp hơn.
Lynk & Co 01 sử dụng nền tảng Compact Modular Architecture (CMA) chung với Volvo XC40, cùng với đó là hệ thống điện, động cơ và các tính năng an toàn. Quá trình thiết kế Lynk & Co 01 được thực hiện tại Thụy Điển.
Xe sở hữu nhiều trang bị hiện đại như màn hình cảm ứng trung tâm kích thước lớn, kết nối Apple CarPlay/Android Auto, điều hòa tự động, lọc không khí, cửa sổ trời toàn cảnh, hệ thống đèn ngoại thất dạng LED,… Trang bị an toàn nổi bật gồm 12 cảm biến xung quanh xe, camera 360 độ hay camera giám sát người lái.
Động cơ của Lynk & Co 01 có 2 tùy chọn, gồm 1.5L và 2.0L, đi kèm 3 tùy chọn hộp số sàn 6 cấp, tự động ly hợp kép 7 cấp hoặc tự động 8 cấp. Chưa rõ Lynk & Co 01 khi mở bán tại Việt Nam sẽ sử dụng cấu hình nào.
Lynk & Co 03
Đây là mẫu sedan đầu tiên và duy nhất của thương hiệu Trung Quốc. 03 thuộc phân khúc sedan hạng C, kích thước lần lượt 4.684 x 1.843 x 1.460 mm (DxRxC), chiều dài cơ sở 2.730 mm. Lynk & Co 03 cũng sử dụng nền tảng khung gầm CMA.
Thiết kế đặc trưng của Lynk & Co thể hiện qua cụm đèn pha nằm độc lập bên dưới, đèn LED ban ngày phía trên, xen giữa bằng tản nhiệt mỏng nằm ngang ôm trọn đầu xe.
Điểm nhấn phía sau tới từ cụm đèn hậu LED hình chữ L, ống xả dạng đôi và cánh gió trên nắp cốp. Các trang bị nổi bật của Lynk & Co 03 bao gồm màn hình giải trí 12,8 inch, đồng hồ tốc độ dạng điện tử toàn phần với màn hình 12,3 inch, cần số điện tử,…
Trong thông cáo, Lynk & Co cho biết, mẫu 03 sử dụng động cơ 2.0L nên nhiều khả năng đó sẽ là tùy chọn được mở bán tại Việt Nam. Theo thông tin quốc tế, khối động cơ tăng áp này cho công suất 188 mã lực và 300 Nm mô-men xoắn, đi kèm hộp số tự động 6 cấp.
Lynk & Co 05
Lynk & Co 05 là mẫu SUV lai Coupe, thiết kế mang nhiều nét tương đồng với mẫu 01, như đầu xe và khoang nội thất. Vì vậy, hai mẫu xe này có nhiều điểm chung về trang bị như màn hình cảm ứng trung tâm kích thước lớn có kết nối Apple CarPlay/Android Auto, điều hòa tự động, hệ thống lọc không khí, cửa sổ trời toàn cảnh, hệ thống đèn ngoại thất dạng LED,… Trang bị an toàn nổi bật gồm 12 cảm biến xung quanh xe, camera 360 độ hay camera giám sát người lái.
Động cơ của Lynk & Co 05 là loại máy xăng 2.0L tăng áp kết hợp động cơ hybrid nhẹ (mild-hybrid), công suất cực đại 254 mã lực và 350 Nm mô-men xoắn. Đi kèm với hộp số tự động 8 cấp. Ngoài ra, mẫu xe này còn có tùy chọn động cơ plug-in hybrid.
Lynk & Co 09
Đây là mẫu xe đầu bảng của thương hiệu Lynk & Co. 09 sử dụng khung gầm và nền tảng công nghệ của Volvo XC90. Kích thước 5.042 x 1.977 x 1.780 mm (DxRxC), chiều dài cơ sở 2.984 mm.
Lynk & Co 09 được thiết kế đồng nhất với các sản phẩm khác của hãng như cụm đèn LED định vị đặt cao trong khi hệ thống chiếu sáng chính ở bên dưới, cạnh lưới tản nhiệt. Bên trong cabin, 09 có ít nhất 6 màn hình điện tử cỡ lớn, hệ thống âm thanh vòm 14 loa Bose, hệ thống khử mùi và tạo hương nước hoa… Xe có tùy chọn cấu hình 7 chỗ với hạng ghế thứ hai thiết kế kiểu thương gia tách biệt.
Lynk & Co 09 trang bị động cơ tăng áp 2.0L và hộp số tự động 8 cấp. Xe có các biến thể động cơ mild-hybrid (MHEV) hoặc plug-in hybrid (PHEV) với công suất 247-427 mã lực.
Theo Phụ Nữ Số
Ba mẫu xe Omoda và Jeacoo chốt lịch ra mắt thị trường Việt Nam ngay trong tháng 8: Có cả sedan và SUV, ngang phân khúc Civic, CR-V
Trong 3 mẫu ô tô Trung Quốc đang được xuất khẩu sang Việt Nam lần này, Omoda 5 đã được lên lịch lắp ráp trong nước từ năm 2024.
Nhà phân phối xe thương hiệu Omoda tại Việt Nam vừa tiết lộ thời gian lô xe đầu tiên cập bến thị trường trong nước là tháng 8. Sẽ có 10 chiếc xe được đưa về trong lô đầu.
Trong đó, ba mẫu gồm Omoda 5, Omoda S5 và Jaecoo 7 sẽ có 3 chiếc mỗi loại được nhập khẩu sang thị trường Việt Nam. Một chiếc còn lại là mẫu Omoda S5 GT (phiên bản thể thao của Omoda S5).
Trong lô xe được nhập khẩu về đây, chỉ còn mẫu Jaecoo 7 vẫn đang trong quá trình lắp ráp, sẽ hoàn thiện trước ngày 20/7 tới và rời cảng Trung Quốc bắt đầu từ ngày 28/7.
Omoda 5
Mẫu xe hạng C này vẫn được marketing tại Việt Nam trong suốt nhiều tháng qua. Dự kiến có 3 phiên bản COM, LUX và PRE với giá dự kiến 699 triệu đồng, 749 triệu đồng và 799 triệu đồng.
Phiên bản bán ra trong nước nhiều khả năng sẽ có chút khác biệt so với phần lớn thị trường khác bởi không sử dụng logo Chery ở trên xe. Mẫu xe này có chiều dài 4.400 mm và rộng 1.830 mm. Trục cơ sở của xe là 2.730 mm. Xe cạnh tranh Mazda CX-5, Honda CR-V.
Nếu giống trang bị bản Trung Quốc, Omoda 5 có công nghệ an toàn đáng chú ý gồm ga tự động thích ứng, hỗ trợ lái xe khi tắc đường, camera 360 độ, hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, hỗ trợ chuyển làn đường, cảnh báo và ngăn lệch làn đường, giữ làn đường khẩn cấp…
Động cơ Omoda 5 sẽ có tùy chọn xăng và điện. Máy xăng có thể là loại 1.6L tăng áp, công suất 197 mã lực. Thông số động cơ điện hiện chưa có. Nhà phân phối cho biết bản điện của mẫu xe này được bảo hành 6 năm hoặc 150.000 km.
Theo kế hoạch, Omoda 5 sẽ chuyển sang lắp ráp trong nước kể từ năm 2024. Xe được đồn đoán được lắp tại nhà máy hợp tác giữa Geleximco và Chery tại Thái Bình. Thông tin này chưa được phía Chery xác nhận. Omoda và Jaecoo là hai thương hiệu con thuộc nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc này.
Jeacoo 7
Jeacoo 7 cho đến nay, thông tin chi tiết về mẫu xe này chưa nhiều. Xe mới được giới thiệu tại triển lãm Thượng Hải cách đây khoảng vài tháng. Chiếc xe Jeacoo 7 lộ diện trên đường phố Trung Quốc cho thấy thiết kế vuông vức và góc cạnh.
Nội thất xe tối giản nút bấm giống xe điện, với màn hình trung tâm kích thước lớn đặt dọc, tích hợp điều khiển đa chức năng, màn hình lớn sau vô-lăng, HUD… Tại Trung Quốc, động cơ xe là máy xăng 1.6L tăng áp hoặc có tùy chọn hybrid.
Omoda S5
Có tên gần giống với Omoda 5, nhưng mẫu S5 lại thuộc phân khúc sedan thay vì SUV/crossover. Về kích thước, Omoda S5 lần lượt đạt 4.644 x 1.814 x 1.493 mm (DxRxC), và chiều dài cơ sở 2.650 mm. Do đó, đối thủ mẫu xe này sẽ là Mazda3, Kia K3 hay Honda Civic.
Thiết kế ngoại thất theo thiên hướng vuông vức, nhiều được gân dập nổi. Phần đầu xe gây ấn tượng với lưới tản nhiệt kích thước lớn cùng hai hốc gió đặt ở dưới. Đèn pha là loại LED thấu kính kết hợp dải đèn ban ngày. Phần đuôi xe, nét thiết kế có phần liên tưởng tới Kia K3 cùng phân khúc đang bán tại Việt Nam.
Bên trong nội thất, xe được hai trang bị màn hình 10,25 inch cho đặt tại trung tâm táp-lô và đồng hồ tốc độ là điểm nhấn chính. Ghế ngồi bọc da kết hợp sọc kẻ đỏ ở ghế ngồi.
Hiện nay, Omoda S5 đang được phân phối tại thị trường Nga với hai phiên bản động cơ xăng 1.5L. Đầu tiên là loại hút khí tự nhiên cho công suất 113 mã lực và 138 Nm mô-men xoắn.
Còn lại là phiên bản động cơ tăng áp, cho công suất 147 mã lực và 210 Nm mô-men xoắn. Tất cả đi kèm hộp số tự động CVT. Loạt trang bị an toàn theo xe gồm 6 túi khí, camera 360 độ, ga tự động thích ứng, hỗ trợ giữ làn đường, cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo điểm mù,…
Omoda S5 GT
S5 GT là phiên bản thể thao hơn của mẫu Omoda S5 kể trên. Xe có một tên gọi khác là Chery Arizzo 5 GT tại thị trường Trung Quốc.
So với S5 tiêu chuẩn, bản GT có một số thay đổi dễ nhận biết gồm đầu xe tái thiết kế với luới tản nhiệt dạng đồng hồ cát, cụm đèn pha mảnh mai và sắc cạnh hơn, điểm xuyết là đường kẻ màu cam ở viền lưới tản nhiệt.
Kích thước của Omoda S5 GT có phần lớn hơn, lần lượt đạt 4.710 x 1.829 x 1.490 mm, chiều dài cơ sở là 2.670 mm.
Bên trong cabin, Omoda S5 GT vẫn được trang bị hai màn hình điện tử như mẫu S5, được tinh chỉnh về cách bố trí khi được nối liền vào nhau giống nhiều mẫu xe như Mercedes-Benz, BMW hay Kia hiện nay. Ngoài ra, các điểm nhấn màu cam được bố trí xung quanh nội thất.
Động cơ của Omoda S5 GT cũng mạnh mẽ hơn khi sử dụng loại 1.6L tăng áp. Nếu giống với mẫu Arizzo 5 GT tại Trung Quốc, công suất đầu ra sẽ là 197 mã lực và 290 Nm mô-men xoắn.
Đi kèm với đó là hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép ướt. Thời gian tăng tốc từ 0- 100 km/h của mẫu sedan hạng C này được công bố là dưới 6 giây.
Theo Phụ Nữ Số
Xem thêm bài liên quan
- Điểm mặt bộ 3 SUV Lynk & Co đến từ Trung Quốc vừa ra mắt thị trường Việt Nam: Định vị ở phân khúc mới liệu có làm nên chuyện?
- Các hãng xe Trung Quốc thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường Việt Nam: Không còn xe giá rẻ, thậm chí có hãng không có xe nào dưới 1 tỷ
- Đại lý hé lộ mức giá dự kiến của cặp đôi Lynk & Co 01 và 05: Không xe nào dưới 1 tỷ, sẽ rất khó để “làm nên chuyện” tại Việt Nam