Có thể thấy đại dịch, thiếu linh kiện, và xu hướng dịch chuyển sang xe điện đã chứng kiến sự bứt phá của nhiều nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới.
Ngày 13/7, chuyên trang Car Industry Analysis đã công bố danh sách top 30 nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới năm 2021.
Xuất sắc đứng ở vị trí thứ nhất là hãng xe đến từ Nhật Bản – Toyota với hơn 10,2 triệu chiếc được bán ra. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản – cũng là nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới trong nhiều năm trước khi bị Tesla vượt mặt – đã có xe bán chạy nhất tại 41 quốc gia trong số 104 quốc gia.
Đứng thứ 2 là hãng Volkswagen của Đức bán được hơn 8,8 triệu chiếc. Theo Reuters, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ euro (tương đương 20,3 tỷ USD) vào mảng pin ô tô điện, Volkswagen hướng đến mức doanh thu kỳ vọng hàng năm trên 20 tỷ euro, đồng thời tạo ra đến 20.000 việc làm vào năm 2030.
Nhà sản xuất xe Huyndai đứng ở vị trí thứ 3 với gần 7 triệu chiếc xe được bán ra. Tương tự như Toyota và Volkswagen, hãng xe tới từ Hàn Quốc cũng tập trung đầu tư vào xe điện. Hyundai cùng với “người anh em” Kia đã kết thúc nửa đầu năm với tư cách là một trong năm nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, không bao gồm xe hybrid (xe lai giữa động cơ điện và động cơ đốt trong).
Theo dữ liệu trong bản xếp hạng, Nhật Bản áp đảo với 4 nhà sản xuất xe trong top 10 là Toyota, Honda, Nissan và Suzuki. Tổng lượng xe bán ra của 4 hãng này là hơn 21 triệu chiếc. Ngoài ra còn có hãng Mazda hạng 17, Misubishi hạng 21 và Subazu nằm ở vị trí thứ 23.
Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà sản xuất xe Trung Quốc. Có thể kể đến các hãng xe như Geely (hạng 13), SGMW (hạng 14), Changan (hạng 15), GWM (hạng 16), SAIC (hạng 18), Dongfeng (hạng 22),…
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nhưng các nhà sản xuất trong nước như Geely và Great Wall muốn vươn ra ngoài biên giới. Những nỗ lực “Mỹ tiến” đã bị trì hoãn do chiến tranh thương mại từ thời chính quyền Donald Trump, song xe Trung Quốc lại đang hiện diện mạnh mẽ ở nhiều nơi khác, chẳng hạn như Đông Nam Á.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong hai năm qua tại Trung Quốc đã khiến giới chức nước này tăng cường chính sách zero-COVID, phong tỏa nhiều thành phố lớn và hàng chục triệu người.
Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở những nơi như Thượng Hải và Cát Lâm đã buộc các nhà sản xuất ô tô phải ngừng sản xuất và có nguy cơ phải trì hoãn giao hàng ở thời điểm mà nhu cầu ô tô trên toàn cầu đang gia tăng mạnh mẽ.
Các nhà máy của Volkswagen ở Thượng Hải và Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, đã bị đóng cửa suốt nhiều tuần nay. Công ty này cho biết sẽ bù đắp cho khoảng thời gian dừng sản xuất này nếu tình hình dịu xuống trong tương lai gần, bằng cách tăng ca và nhiều biện pháp khác.
Nhà sản xuất xe đình đám Tesla của tỷ phú Elon Musk đứng ở vị trí thứ 19. Theo hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), Tesla đã dừng sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải kể từ khi thành phố này tiến hành phong tỏa vào ngày 28/3, và Toyota cũng đã buộc phải đóng cửa nhà máy ở Trường Xuân.
Morgan Stanley dự đoán thị trường xe điện sẽ có trị giá 1,5 nghìn tỉ USD vào năm 2040. Đó là miếng bánh béo bở khiến hàng loạt các thương hiệu, nhà sản xuất lớn đã tự chuyển mình để thích ứng với sự thay đổi.
Theo Nhịp sống kinh tế
Xem thêm bài liên quan
- Là trùm doanh số toàn cầu với con số ấn tượng bỏ xa nhiều đối thủ nhưng Toyota vẫn phải chịu thua VinFast ở điểm này?
- Sau “ông lớn” BYD, các hãng xe “tí hon” Trung Quốc Nio, Xpeng chuyển hướng tập trung vào xe điện giá rẻ
- Cuộc chiến dành thị phần của ô tô Trung Quốc: Dùng những “công nghệ xa xỉ” mà người dùng các nước chưa từng thấy