Số lượng ô tô Trung Quốc được nhập về Việt Nam tính đến giữa tháng 12 năm 2022 đạt 16.240 xe, kim ngạch 670 triệu USD.
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa cho biết dù năm 2022 chưa kết thúc, tổng lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đã đạt 163.333 xe, tổng kim ngạch đạt 3,62 tỉ USD, tính đến giữa tháng 12-2022. Đặc biệt, kết quả trên vượt qua cả con số kỷ lục gần 160.000 ôtô được nhập khẩu trong cả năm 2021.
Về thị trường nhập khẩu, dẫn đầu thị phần vẫn là 3 quốc gia ở châu Á gồm: Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Với 141.328 xe, riêng 3 thị trường trên chiếm tới 93,23% lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, Indonesia đã vượt Thái Lan trở thành nhà cung cấp ôtô lớn nhất cho Việt Nam với 63.987 xe, kim ngạch 934,4 triệu USD, tính đến hết tháng 11-2022. Đáng chú ý, số lượng xe ôtô Trung Quốc nhập về Việt Nam đạt 16.240 xe, kim ngạch 670 triệu USD.
Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 12, cả nước nhập khẩu 11.769 ôtô nguyên chiếc, tổng kim ngạch đạt 219,33 triệu USD. Với 10.091 xe, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn là sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của thị trường ôtô Việt Nam, chiếm 85,7% tỉ trọng toàn bộ ôtô nhập khẩu nguyên chiếc trong nửa đầu tháng 12.
Nhóm ôtô chở khách này cũng đạt giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 175 triệu USD, tương đương trung bình hơn 17.300 USD/xe.
Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị linh kiện và phụ tùng ôtô được đưa về Việt Nam đã đạt hơn 5,6 tỉ USD, trong khi con số này với xe máy và linh kiện, phụ tùng đạt hơn 776 triệu USD. Lượng linh kiện được dự báo sẽ còn gia tăng mạnh, đặc biệt là trong năm 2023, khi lượng xe lắp ráp trong nước ngày càng gia tăng.
Hãng xe Trung Quốc đầu tiên đặt nhà máy tại Việt Nam
Mới đây, đại diện hãng xe Chery của Trung Quốc đã xác nhận sẽ mở nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam vào năm 2024.
Cụ thể, trong buổi giới thiệu SUV Omoda 5 thế hệ mới, Chery xác nhận sẽ sản xuất mẫu xe này tại Việt Nam vào năm 2024. Dự kiến, nó sẽ đối đầu với những “gương mặt” phổ biến tại thị trường trong nước bao gồm Toyota Corolla Cross và Hyundai Creta.
Trả lời Tiền Phong, nhà sản xuất xe hơi đến từ Trung Quốc cho biết: “Thay vì nhập khẩu qua một bên trung gian như hầu hết các thương hiệu ô tô Trung Quốc khác đang thực hiện ở Việt Nam, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xây dựng hệ thống đại lý chính hãng, giúp khách hàng có thể yên tâm hơn trong việc tiếp cận sản phẩm và các vấn đề liên quan tới hậu mãi.
“Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với một đối tác để sản xuất xe hơi tại Việt Nam. Điều này giúp hãng xe làm chủ nguồn cung, linh kiện. Do đó, trong trường hợp sản phẩm gặp lỗi, chủ sở hữu sẽ không phải đợi lâu để sửa chữa, thay mới phụ tùng”, Chery lưu ý thêm.
Hiện tại, có tin đồn cho biết Chery sẽ kết hợp cùng tập đoàn Geleximco mở nhà máy tại tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, hãng xe đã phủ nhận điều này và nói rằng sẽ công bố thông tin chính thức trong thời gian tới.
Đối với mẫu SUV Omoda 5 được sản xuất tại Việt Nam, Chery hứa hẹn sẽ gây ấn tượng với nhiều người dùng bởi hàng loạt công nghệ hấp dẫn như camera 360 toàn thân xe, ghế thể thao tích hợp, màn hình kép 10,25 inch đi kèm nhiều tính năng an toàn.
Ở thế hệ hiện tại, xe đang sử dụng hai tùy chọn động cơ lần lượt sản sinh ra 154,2 mã lực và 194,45 mã lực. Đặc biệt, mức giá dự kiến của xe sẽ rơi vào khoảng 700 triệu đồng.
Đáng chú ý, hãng xe Trung Quốc cho biết có thể lập kế hoạch điện khí hóa các sản phẩm tại Việt Nam.
Về vấn đề này, đại diện Chery nói: “Theo lộ trình được đề ra, Việt Nam sẽ chuyển qua sử dụng hoàn toàn xe điện từ năm 2050. Nhưng trên thực tế, lộ trình này có thể diễn ra chậm hơn, tương tự như ở thị trường Trung Quốc. Vì vậy trong khoảng 20 năm nữa, xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn sẽ chiếm ưu thế trên thị trường.
“Tuy nhiên, trong chiến lược Chery đề ra với thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ phân phối các dòng xe sử dụng năng lượng mới như hybrid và EV. Lưu ý rằng, nhà máy được lắp đặt tại Việt Nam hoàn toàn có thể kết hợp sản xuất xe điện trong tương lai, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường tại từng giai đoạn”.
Chery là hãng ô tô có lượng xuất khẩu phương tiện lớn nhất tại Trung Quốc. Cho đến nay, đã có hơn 10 triệu khách hàng trên toàn thế giới tin dùng sản phẩm đến từ thương hiệu này.
Việc hãng xe mở rộng sản xuất và tấn công thị trường Việt hứa hẹn sẽ khiến phân khúc SUV cỡ B trở nên “nóng” hơn, giúp người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều lựa chọn để tìm ra phương tiện phù hợp.
Hãng xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc sẽ vào Việt Nam thế nào?
Trả lời Báo chí, ông Tocy Tang, Giám đốc Chery Việt Nam đã hé lộ chiến lược chinh phục thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới.
Về câu hỏi, Chery sẽ có chiến lược gì mới để chinh phục thị trường ô tô Việt Nam khi trước đó hầu hết các thương hiệu ô tô Trung Quốc chưa mấy thành công và tạo được dấu ấn đối với khách hàng Việt?
ông Tocy Tang cho biết, khác biệt ở đây chính là sự đầu tư bài bản, xây dựng chiến lược sản xuất và phân phối sản phẩm cũng như dịch vụ sau bán hàng (after sales) một cách nghiêm túc, bài bản.
Cụ thể Chery sẽ xây dựng hệ thống phân phối tương đối đầy đủ tại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam để chủ động nguồn cung sản phẩm cho thị trường cũng như việc bảo đảm khả năng cung ứng linh kiện, phụ tùng bảo dưỡng, sửa chữa cho các dòng xe bán ra.
“Chúng tôi tự tin về chất lượng và sự an toàn đối với sản phẩm của mình. Minh chứng là trong thời gian qua các mẫu xe của hãng đã cạnh tranh rất tốt trên thị trường quốc tế. Hiện Chery là doanh nghiệp ô tô xuất khẩu nhiều xe nhất tại Trung Quốc”.
Đại diện hãng xe này cũng cho biết, khác với những hãng xe Trung Quốc đang kinh doanh tại Việt Nam, Chery sẽ cam kết thực hiện bảo hành sản phẩm từ 5 – 10 năm. Bên cạnh đó sẽ xây dựng hệ thống đại lý đủ tốt, đảm bảo thực hiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất.
Trả lời câu hỏi, trước xu thế chuyển sang xe điện. Đặc biệt Việt Nam cũng đã đưa ra lộ trình dừng sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong trong thời gian tới, việc đầu tư dây chuyền sản xuất xe truyền thống có kịp hoàn vốn? lãnh đạo Chery Việt Nam cho biết: “Chery đã nắm được lộ trình chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi xác định trong ít nhất khoảng 10 – 15 năm nữa xe động cơ đốt trong vẫn là chủ đạo. Hơn nữa hiện Chery cũng đã sản xuất xe điện.
Chính vì thế việc chuyển đổi nhà máy từ sản xuất xe xăng sang xe điện không quá khó khăn. Hiện tại Chery cũng đã xây dựng chiến lược phát triển xe điện tại Việt Nam. Việc sản xuất và bán xe điện tại Việt Nam sớm hay muộn chỉ là vấn đề thị trường có nhu cầu hay không mà thôi”.
Ngày 22/12/2022, từ Trung Quốc hãng Chery tổ chức sự kiện trực tuyến giới thiệu mẫu xe Chery OMODA 5 đến một số đơn vị truyền thông Việt Nam.
Đây là mẫu SUV cỡ trung 5 chỗ có kích thước tương đương với Honda HR-V, Hyundai Creta và Kia Seltos… Dự kiến mẫu xe này sẽ ra mắt thị trường Việt Nam vào đầu năm tới với 3 phiên bản COM, LUX và PRE.
Khi được hỏi về giá bán mẫu xe Omoda 5 tại Việt Nam, Tổng giám đốc Chery Việt Nam chưa đưa ra con số cụ thể với lý do cần phải thăm dò, khảo sát thêm thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam nhưng hé lộ sẽ ở mức khoảng trên dưới 700 triệu đồng.
Chery Automotive là hãng xe hơi thuộc sở hữu nhà nước tại Trung Quốc. Hãng được thành lập năm 1997, trụ sở hiện nay đặt tại Vũ Hồ, tỉnh An Huy.
Từ 2003 đến nay, Chery giữ vị trí 19 năm liên tiếp là hãng xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, hãng này hoạt động mạnh ở các thị trường như Nam Mỹ, Đông Âu, và châu Phi.
Chery là đối tác sản xuất, lắp ráp xe Jaguar – Land Rover tại thị trường Trung Quốc với cổ phần hai bên chia đều 50:50.
Tham khảo: Người Lao Động, Tiền Phong
Xem thêm bài liên quan
- Điểm mặt loạt xe của “anh hàng xóm khó tính” sắp ra mắt thị trường Việt Nam: Nhiều phân khúc, quyết dành thị phần xe Nhật, Hàn
- Thất bại khi đưa xe giá rẻ vào Việt Nam cách đây 10 năm, ô tô Trung Quốc đang “quay trở lại” mạnh mẽ, liệu có làm nên chuyện?
- Các hãng xe Trung Quốc thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường Việt Nam: Không còn xe giá rẻ, thậm chí có hãng không có xe nào dưới 1 tỷ