Sau 3 tháng đầu năm, TMT Motors – Đơn vị phân phối, lắp ráp mẫu xe điện Wuling Mini EV đã thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu thuần nhưng chưa tới 1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
CTCP Ô tô TMT (TMT Motors, mã TMT) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 516 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn giảm tương ứng khiến lãi gộp của TMT đạt 57 tỷ, giảm 25% tương ứng biên lãi đạt 11%.
Doanh thu tài chính giảm mạnh xuống còn khoảng 300 triệu, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tiết giảm so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, TMT Motors báo lãi sau thuế không đầy 270 triệu đồng, giảm mạnh 86% so với mức lãi gần 2 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lý do dẫn tới việc lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu là do thay đổi báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
Tại BCTC riêng quý 1 của TMT, LNST giảm 43% xuống hơn 4 tỷ đồng. Nguyên nhân được trình bày do tình hình kinh tế khó khăn, các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, logistic suy giảm trong quý đầu năm khiến TMT với sản phẩm ô tô tải phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực trên chịu ảnh hưởng.
Ngoài ra, lượng hàng hóa tồn kho dự trữ của các DN sản xuất và nhập khẩu phân phối lớn dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá, qua đó giảm tỷ lệ lãi gộp của doanh nghiệp.
TMT Motors tiền thân là Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư Thiết bị giao thông vận tải. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. TMT Motors từ lâu đã được biết đến là đơn vị có các sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk,… có tải trọng lớn.
Mới đây, doanh nghiệp này gây tiếng vang khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam.
Được biết, Wuling Mini EV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng của Trung Quốc, đạt danh hiệu “ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp, kể từ năm 2020 đến hết năm 2023. Tại Việt Nam, xe được sản xuất, lắp ráp bởi liên doanh TMT Motors và General Motors (GM) – (SAIC – WULING).
Trong đó, liên doanh GM – (SAIC – WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. TMT Motors đã phối hợp với các đại lý, chính thức khai trương hơn 20 đại lý Wuling ủy quyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện giá bán đối với phiên bản tiêu chuẩn + pin 120km (LV1 – 120) là 239 triệu đồng, còn đối với phiên bản tiêu chuẩn + pin 170km (LV1 – 170) là 265 triệu đồng. Giá bán đối với phiên bản nâng cao + pin 120km (LV2 – 120) là 255 triệu đồng, đối với phiên bản nâng cao + pin 170km (LV2 – 170) là 282 triệu đồng.
Đây được đánh giá là mức giá bán khởi điểm rẻ nhất thị trường, thậm chí thấp hơn cả xe hạng A như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning cùng với kiểu dáng thiết kế có thể xem là “độc, lạ”.
Tuy nhiên, một thực tế đang cho thấy TMT Motors “thần tốc” làm ô tô điện nhưng kết quả chưa tương ứng với tham vọng. Năm 2023, doanh nghiệp này chỉ bán được vẻn vẹn 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó.
Với số lượng xe bán được, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 13% và hoàn thành 55% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 95% xuống gần 2,4 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 3% kế hoạch.
“Ế ẩm” trong năm ngoái, bước sang 2024, TMT Motors đã lên kế hoạch tổng doanh số của dòng sản phẩm xe điện chỉ ở mức 1.016 chiếc. Dù tăng đến 71% so với mức thực hiện trong năm trước song đây vẫn là con số ở mức rất thấp.
Về chỉ tiêu kinh doanh 2024, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với năm trước. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, phía doanh nghiệp đã thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu thuần nhưng chưa tới 1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của TMT Motors đạt mức 1.978 tỷ đồng, giảm 192 tỷ tương ứng 9% so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt mức 38 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm.
Trong khi đó, giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý 1 là 1.189 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với thời điểm đầu năm và chiếm hơn 60% tổng tài sản.
Tổng nợ phải trả của TMT Motors ghi nhận 1.540 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ vay 1.137 tỷ, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 438 tỷ đồng với 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Theo: An ninh Tiền Tệ
Nữ chủ nhân chiếc Chery Omoda 5 quyết không nhận lại xe sau sự cố mất phanh, hãng tuyên bố sẽ khởi kiện
Sự việc đang thu hút sự chú ý tại Malaysia, liên quan tới mẫu xe Trung Quốc Omoda 5 mà hãng ô tô Chery dự kiến sẽ bán tại Việt Nam trong năm nay.
Theo đó, vào đầu tháng 4, chiếc xe Omoda 5 của một nữ khách hàng ở Malaysia đã bị trục trặc phanh trên đường cao tốc khiến cô vô cùng hoảng sợ. Video ghi lại sự việc đã được chủ xe có tài khoản Facebook là Jc Jess đăng tải trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.Chủ xe hoảng loạn khi chiếc Omoda 5 bị trục trặc phanh trên đường cao tốc (Video: Jc Jess).
Trong video, cô cho biết chiếc xe mới mua, chạy chưa đến 5.000km đã phải vào xưởng dịch vụ để kiểm tra hệ thống phanh. Cô vừa lấy lại xe, rời xưởng, đi được khoảng 10km thì phanh không hoạt động trên đường cao tốc.
Jc Jess cho biết, Chery Malaysia đã đưa xe về xưởng dịch vụ để kiểm tra nhưng đến nay là một tháng vẫn chưa hoàn thành việc sửa chữa.
Theo chia sẻ mới nhất của Jc Jess trên Facebook vào ngày 5/5, cô quyết định sẽ không bao giờ nhận lại chiếc xe nữa, cô không muốn lái chiếc xe đó.
Chủ xe cho biết sẽ cung cấp tất cả tài liệu và chứng cứ cho truyền thông để nhiều người biết đến vụ việc hơn.
Trước đó, cô cũng cho biết cô đã bị Chery kiện và luật sư của cô đang tiếp nhận, xử lý vụ việc. Cô kêu gọi các chủ xe Omoda 5 cũng gặp vấn đề với hệ thống phanh hãy liên hệ với cô để cùng giải quyết, đấu tranh đòi quyền lợi.
Mới đây, vào ngày 30/4, Chery Malaysia đã thông báo triệu hồi 600 chiếc Omoda 5 tại thị trường này sau khi một khách hàng phản ánh việc xe bị gãy rời trục sau dù không gặp tác động nào.
Nguyên nhân được xác định do một lô linh kiện lắp ráp lỗi, có thể do hoạt động nâng cấp cơ sở sản xuất của một nhà cung cấp, khiến hệ thống treo sau (bên hành khách) bị tách rời khỏi khung gầm khi xe di chuyển.
Mẫu Omoda 5 được Chery dự kiến đưa về Việt Nam vào quý III năm nay với tên gọi khác, là Omoda C5. Ban đầu, xe sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Theo kế hoạch, Chery sẽ sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo tại nhà máy liên doanh với Geleximco ở Thái Bình. Do đó, nhiều khả năng mẫu Omoda 5 sẽ được chuyển sang lắp ráp trong nước sau khi nhà máy này đi vào hoạt động.
Theo: Dantri
Xem thêm bài liên quan
- “Thất bại” với Mini EV chưa đủ, thêm “đàn anh” Wuling Bingo EV sắp về Việt Nam đấu VinFast VF5
- TMT Motors công bố diện mạo mới của mẫu xe ô tô rẻ nhất Việt Nam: Không còn là “xe Tàu”, lá cờ Mỹ mong “đổi vận”?
- Tầm tiền hơn 300 triệu nên chọn xe điện minicar Trung Quốc Wuling Hongguang Mini EV hay VinFast Fadil, KIA Morning cũ?