Trải qua nhiều năm, các hãng xe đến từ đất nước tỷ dân – Trung Quốc luôn tìm cách có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên có nhiều yếu tố khiến mục tiêu này khó thành hiện thực.
2005-2012 là thời kỳ ô tô Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt mạnh mẽ, với nhiều mẫu xe bao gồm cả lắp ráp và nhập khẩu. Trước đó, sự đổ bộ khá thành công của xe máy Trung Quốc được xem là bước tạo tiền đề cho ô tô.
Ở thời kỳ mà ngành công nghiệp ô tô Việt vẫn còn nhiều sơ khai, các hãng xe thường tìm cho mình một liên doanh để lắp ráp. Ô tô Trung Quốc cũng không ngoại lệ, Lifan tiếp cận thị trường bằng cách bắt tay với công ty nội để lắp ráp những chiếc xe đầu tiên.
Thâm nhập thị trường
Năm 2006, Lifan 520 xuất hiện, đánh dấu mẫu ô tô du lịch Trung Quốc đầu tiên lắp ráp tại Việt Nam. Xe có 5 chỗ, được trang bị hai tùy chọn động cơ: bản 1.3L giá 14.000 USD và 1.6L có giá 17.000 USD. Ở thời điểm ra mắt, hãng bảo hành 2 năm với xe cá nhân và 1 năm với xe kinh doanh vận tải.
Trước đó, nhiều người tiêu dùng kỳ vọng về một mẫu xe giá rẻ khi Lifan tuyên bố sản xuất ra chiếc xe bán với giá 5.000 USD. Chi phí vật tư và nhân công tại Việt Nam không giống Trung Quốc, Lifan “vỡ mộng” với ô tô giá rẻ.
Từ 2009, các mẫu xe Hàn Quốc tràn vào thị trường với kiểu dáng bắt mắt, nhiều trang bị. Trong khi xe Nhật “đánh” vào nhóm khách hàng thực dụng yêu thích bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu. Đối với xe Mỹ, đó là cảm giác lái đầm chắc và một khối động cơ khỏe khoắn.
Chính vì thế, Lifan 520 rơi vào quên lãng do hình thức xấu, ít cập nhật trang bị và công nghệ. Ở thời kỳ này, công nghệ ô tô Trung Quốc chưa quá nổi bật, vì thế trang bị không phải yếu tố cạnh tranh chính của những mẫu xe đến từ đất nước tỷ dân.
Tiếp đó, Chery QQ3 năm 2009, Geely 2012… thâm nhập thị trường. Tuy nhiên tất cả đều chưa đáp ứng kỳ vọng của khách hàng về một chiếc xe rẻ, bắt mắt… Những cái tên trên “sớm nở, chóng tàn” và rồi cũng như với xe máy Trung Quốc, các sản phẩm này dần biến mất.
Giai đoạn sau 2015, xe Trung Quốc trở lại thị trường mạnh mẽ hơn với nhiều cái tên mới và đa dạng về trang bị. Các mẫu ô tô này đều có ưu thế trang bị dồi dào so với giá bán. Tuy nhiên, đa số chúng đều nhập khẩu đơn lẻ, không phải theo hình thức phân phối chính hãng.
Nhà nhập khẩu này đã đưa về Zotye, Brilliant V7, Baic X35, X55, Beijing X7… Đa số chúng là các mẫu gầm cao đa dụng, mức giá “mềm” đi kèm nhiều trang bị và công nghệ. Một số sản phẩm tạo điểm nhấn trong cộng động, có thể kể đến như Beijing X7.
Ý kiến người kinh doanh
“Thực tế có nhiều doanh nghiệp ô tô Trung Quốc muốn xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng đều gặp khó trong bài toán tự đầu tư hay liên doanh với doanh nghiệp trong nước”, ông Trần Minh Thao, chuyên gia đang hỗ trợ lắp ráp xe tải Willing tại Việt Nam, cho biết.
Đa số các thương hiệu ô tô Trung Quốc chọn giải pháp an toàn, đó là tìm một công ty liên doanh tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ và dây chuyền sản xuất. Cách này thâm nhập thị trường bằng việc quản trị thương hiệu và đưa thêm sản phẩm phù hợp cho thị trường.
Sở dĩ phương án này được lựa chọn bởi thị trường xe Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh về doanh số, nhưng đang trong thế tạo lập về phân khúc cũng như tập khách hàng, sẽ khó khăn hơn trong việc định vị sản phẩm. Tiếp đó, thị trường Việt Nam được xem là một thị trường khó tính, bởi ô tô tài sản có giá trị lớn, người dùng đòi hỏi khắt khe hơn.
Ngoài ra, việc VinFast tham chiến vào nhóm xe điện, cho thấy tốc độ dịch chuyển tùy chọn động cơ sẽ diễn ra nhanh hơn với những cú hích từ cơ chế. Vì thế, việc đầu tư nhà máy có thể là bài toán mạo hiểm nếu không đo lường hết nhu cầu thị trường.
Gần đây, tập đoàn Geleximco đặt bút ký thỏa thuận thuê đất để sản xuất ô tô. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thỏa thuận thuê đất với mục đích làm nhà máy phụ trợ cho ô tô, hiện chưa có thông tin xác nhận nào về việc tập đoàn này sẽ tự sản xuất ô tô hay liên doanh với một đơn vị thứ hai.
Đây là cách làm Geleximco đã thực hiện khi đảm nhận vai trò là nhà cung cấp linh kiện ô tô, xe máy. Tập đoàn này có thể đi theo định hướng như vậy. Nhiều cái tên được đồn đoán gắn với kế hoạch của Geleximco, trong đó nổi bật như Cherry hoặc Baic…
Đại diện Cherry cho biết hãng có định hướng vào Việt Nam, đánh giá đây là thị trường trẻ có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, cách thức thâm nhập và tiếp cận thị trường bị bỏ ngỏ. Người này cũng không xác nhận việc liên doanh với Geleximco.
Góc nhìn chuyên gia
Theo tiến sĩ Khương Quang Đồng, người có hơn 35 năm làm việc trong ngành ôtô, trong vài năm gần đây, ô tô Trung Quốc được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao.
Các chỉ số về công nghệ cho xe, công nghiệp phụ trợ tại Trung Quốc cũng đã có những bước tiến vượt bậc, bởi nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ khách hàng Việt Nam chưa thiện cảm với hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là với những sản phẩm giá trị cao như ô tô.
Ông lấy ví dụ: MG là một hãng xe Anh, nhưng thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc. Khi vào Việt Nam cũng gặp không ít những khó khăn trong việc làm truyền thông. Sau đó, hãng thay vì nhập khẩu xe từ Trung Quốc đã chuyển hẳn sang nhập từ Thái Lan để tạo lòng tin cho người dùng.
Xếp hạng | Hãng xe | Doanh số 2021 |
1 | Changan | 2.300.500 |
2 | Geely | 2.026.729 |
3 | Great Wall | 1.280.951 |
4 | SAIC | 1.106.876 |
5 | Chery | 961.926 |
6 | FAW | 809.660 |
7 | Dongfeng | 761.683 |
8 | BYD | 740.131 |
9 | GAC | 449.992 |
Nhìn vào doanh số bán hàng năm 2021 tại Trung Quốc. Ông cho biết dù có thế nào cũng không thể phủ nhận những dấu ấn của thị trường xe này. Đặc biệt, những chính sách tốt giúp các hãng nội địa Trung Quốc học được nhiều thứ từ những ông lớn đến từ Đức, Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc.
Điều đó minh chứng bằng việc 9 hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc đều là những cái tên đến từ doanh nghiệp liên doanh.
Tương lai xe Trung Quốc tại Việt Nam
Ông Thao cho rằng xe Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt bằng cách nào thì có lợi nhất vẫn là người tiêu dùng.
Đơn cử, xe máy Trung Quốc vào Việt Nam dù không tạo ra nhiều dấu ấn về mặt sản phẩm nhưng đã giúp mặt bằng giá xe máy trong nước giảm xuống nhờ vào sự cạnh do xuất hiện thêm các mặt hàng giá rẻ.
Ngoài ra, theo ông Thao ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã có bước tiến rất xa so với cách đây 10 năm. Bản thân Trung Quốc cũng là một thị trường lớn được nhiều hãng xe ưu tiên. Vì thế, ô tô Trung Quốc chưa hẳn đã “xấu”. Quan trọng, các mẫu ô tô phải đảm bảo các yếu tố do thị trường đặt ra.
Tại một số thị trường lớn trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, ô tô Trung Quốc cũng đã có cách tiếp cận tốt. Một số thị trường cũng đã chấp nhận những mẫu xe giá rẻ đến từ đất nước này như Indonesia.
Doanh nghiệp của ông Thao cũng tham vọng Việt Nam từng bước sẽ có nhiều doanh nghiệp với sản phẩm riêng phục vụ thị trường. Bản thân ông cũng đang ấp ủ một thương hiệu riêng với tên “Gióng” thay vì liên doanh lắp ráp cho các đơn vị ô tô khác.
Với tiến sỹ Đồng, ông cho rằng xe Trung Quốc sẽ có chỗ đứng ở Việt Nam nếu có sản phẩm “xe giá rẻ” theo đúng kỳ vọng của thị trường cách đây hơn 15 năm.
Theo: https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/o-to-trung-quoc-tham-vong-kiem-cho-dung-tai-viet-nam-20220922170625064.htm
Xem thêm bài liên quan
- Chery ký kết hợp tác với 14 đại gia ngành xe Việt Nam để mở đại lý phân phối Omoda và Jaecoo
- Tập đoàn Geleximco “bắt tay” với ông lớn Chery xây nhà máy sản xuất ô tô, Chủ tịch Vũ Văn Tiền tham vọng xuất khẩu ra nước ngoài
- Các hãng xe Trung Quốc thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường Việt Nam: Không còn xe giá rẻ, thậm chí có hãng không có xe nào dưới 1 tỷ