Không chỉ ô tô du lịch, nhiều phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam bắt đầu được điện hóa, chuyển sang dùng năng lượng thân thiện môi trường mà VinFast chính là đơn vị tiên phong.
Xe xanh xuất hiện ở hầu hết phân khúc
Với việc hàng loạt mẫu ô tô thuần điện và hybrid được ra mắt trong năm 2023, xe thân thiện môi trường hiện đã phủ rộng nhiều phân khúc và khoảng giá tiền tại thị trường Việt, gồm cả bình dân và hạng sang.
Đầu tiên phải kể đến sự xuất hiện của phân khúc hoàn toàn mới – ô tô điện mini, với Wuling Hongguang Mini EV là cái tên đầu tiên được trình làng hồi giữa năm. Không lâu sau đó, VinFast công bố thông tin và những hình ảnh đầu tiên của VinFast VF3, trước khi trưng bày mẫu xe này trong triển lãm diễn ra đầu tháng 7.
Hai mẫu ô tô điện mini Wuling Hongguang Mini EV (trái) và VinFast VF 3 (phải).
Tháng 4/2023, mẫu SUV hạng A thuần điện VinFast VF5 Plus bắt đầu được bàn giao đến khách hàng. Ở phân khúc B-SUV, VinFast VF6 cũng đã nhận đặt cọc từ ngày 20/10.
Cùng đó, theo một số nguồn tin, mẫu C-SUV VinFast VF7 nhiều khả năng sẽ được giới thiệu cuối tháng 11, bắt đầu nhận cọc từ đầu tháng 12 và bàn giao lô xe đầu tiên trước Tết Nguyên đán 2024 nếu kịp tiến độ sản xuất.
Hyundai cũng chính thức gia nhập thị trường xe thuần điện tại Việt Nam với mẫu ô tô đầu tiên mở bán rộng rãi là Ioniq 5, thuộc nhóm SUV cỡ trung và được sản xuất nội địa.
Hyundai Ioniq 5 được sản xuất tại Việt Nam.
Tại phân khúc SUV cỡ lớn, những chiếc VinFast VF 9 đầu tiên đã được giao đến khách hàng ngày 27/3, đồng thời có kế hoạch xuất khẩu ra quốc tế.
Trong khi đó ở mảng xe sang, các thương hiệu cũng giới thiệu nhiều mẫu ô tô thuần điện tại thị trường Việt.
Sau khi ra mắt mẫu sedan cỡ lớn BMW i7 hồi tháng 4, BMW tiếp tục trình làng mẫu SUV thuần điện BMW iX3 và mẫu xe thể thao BMW i4 vào cuối tháng 7.
BMW XM có giá 10,99 tỷ đồng tại Việt Nam.
Sau EQS, Mercedes-Benz đồng loạt ra mắt ba mẫu SUV thuần điện trong triển lãm do hãng tổ chức vào tháng 9, gồm EQB 250, EQE 500 4Matic và EQS 500 4Matic.
Song song đó, nhóm xe hybrid và hybrid cắm sạc cũng có thêm nhiều đại diện mới trong năm 2023, gồm Toyota Yaris Cross (phân khúc SUV hạng B); Haval H6, Honda CR-V 2024 (SUV hạng C); Hyundai Santa Fe Hybrid (SUV hạng D); Toyota Innova Cross (MPV) và BMW XM – mẫu xe BMW có giá đắt nhất tại Việt Nam.
Thêm nhiều phương tiện giao thông công cộng thân thiện môi trường
Không riêng xe du lịch, nhiều phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam cũng đã bắt đầu được điện hóa, hoặc chuyển sang dùng nhiên liệu thân thiện với môi trường như khí thiên nhiên nén (CNG).
Theo số liệu được công bố trong Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện” do Báo Giao thông tổ chức mới đây, xe buýt điện hiện được vận hành bởi công ty VinBus với 239 xe tại Hà Nội với 9 tuyến (không tính các tuyến nội bộ) và 167 xe; tại TP.HCM với một tuyến và 21 xe; và tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với ba tuyến và 51 xe.
Tuy nhiên hiện nay, xe buýt điện mới chiếm khoảng 2,8% tổng số lượng phương tiện buýt trên toàn quốc và được đánh giá còn dư địa phát triển lớn.
Xe buýt điện VinBus.
Trong khi đó, xe buýt CNG đang được vận hành tại ba tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số 702 xe, gồm 139 xe ở Hà Nội, 496 xe ở TP.HCM và 67 xe ở Bình Dương. Xe buýt CNG chiếm khoảng 8% tổng số phương tiện buýt trên toàn quốc, và chiếm gần 75% đoàn xe buýt thân thiện với môi trường (gồm buýt CNG & buýt điện).
Tính đến tháng 7/2023, 16 địa phương đã có doanh nghiệp đăng ký hoạt động của taxi điện, gồm Lâm Đồng, Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Quảng Bình.
Mô hình xe đạp công cộng được thí điểm tại Hải Phòng. Ảnh: Chí Vũ.
Ngoài ra còn có loại hình vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị. Tại Hà Nội, tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) đã được đưa vào khai thác vận hành chính thức, còn tuyến số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) đang xây dựng, tiến độ tổng thể hiện đạt 75%.
Tại TP.HCM, tuyến Metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và khai thác thương mại từ tháng 7/2024, còn tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2030.
Cùng đó, mô hình xe đạp công cộng cũng đang được triển khai thí điểm tại nhiều địa phương như TP.HCM (500 xe), Vũng Tàu (100 xe), Quy Nhơn, Đà Nẵng (300 xe), Hải Phòng (500 xe) và gần đây nhất là Hà Nội.
Theo: Xe Giao Thông
Hãng pin đối tác của VinFast công bố sản phẩm mới: Sạc 5 phút đi 160km, có 1 điểm “vượt mặt” Tesla
Pin XFC cho xe điện của StoreDot sẽ nhẹ hơn, rẻ hơn và sạc lại rất nhanh. Chỉ cần thời gian sạc 5 phút có thế đi được tới 160km.
Công ty công nghệ pin hàng đầu StoreDot thông báo sẽ sớm bắt đầu sản xuất pin silicon để mọi người nhanh chóng thay đổi cái nhìn về xe điện.
StoreDot cho biết, pin silicon XFC của họ sẽ mang đến những chiếc xe điện nhẹ hơn, giá cả phải chăng hơn, mà lại có khả năng sạc cực nhanh.
Pin silicon XFC nhỏ hơn các loại pin đang được trang bị cho xe điện. Đặc biệt, pin này có thể cung cấp phạm vi hoạt động 160km chỉ sau 5 phút sạc.
Với loại pin này, các nhà sản xuất ô tô có thể giảm chi phí và trọng lượng xe, cũng như từ bỏ các loại pin lớn hơn đang sử dụng. Bằng cách thay pin 80kWh bằng silicon StoreDot 50kWh tương đương, xe điện sẽ nhẹ hơn 200kg và giảm chi phí sản xuất tới 4.500 USD (106 triệu đồng).
Ô tô nhẹ hơn đồng nghĩa với hiệu quả cao hơn, khả năng xử lý, phanh và phạm vi hoạt động đều được cải thiện. Trong khi đó, chi phí giảm sẽ giúp nhiều người có thể mua xe điện hơn. Pin nhỏ cũng có ý nghĩa về mặt môi trường vì yêu cầu ít nguyên liệu thô hơn.
Điểm trừ lớn nhất là phạm vi hoạt động chỉ còn khoảng 322km. Trong khi đó, với pin 82kWh, Tesla Model 3 Performance có phạm vi hoạt động 507km. Nhưng khả năng sạc nhanh sẽ bù đắp bất lợi này.
Chủ xe có sẵn sàng chấp nhận quãng đường 320km để đổi lấy một chiếc xe điện nhẹ hơn và giá rẻ hơn hay không thì còn cần thời gian trả lời. Nhưng theo Carbuzz, một chiếc xe điện như vậy ít nhất có thể hấp dẫn những người thường xuyên đi trong nội đô.
StoreDot đang cố gắng đưa pin vào sản xuất đại trà với khả năng sạc nói trên từ năm 2024, sau đó sẽ tiếp tục cải tiến để có thể rút xuống còn 3 phút vào năm 2028, và 2 phút vào năm 2032.
Loại pin này của StoreDot có thành phần hóa học khác với các loại pin của đối thủ. Theo StoreDot, cực anốt của pin, vốn làm bằng Li-ion chì, được làm bằng hỗn hợp silicon tổng hợp ở một tỷ lệ nhất định, giúp cho pin có thể sạc nhanh hơn.
Theo CEO StoreDot Doron Myersdorf, tốc độ sạc của pin này nhanh gấp 3 lần mức trung bình của toàn ngành công nghiệp. Đồng thời, pin của StoreDot cũng có mật độ năng lượng ở tầm tốt nhất khi trữ được 330Wh/kg, hơn hẳn mức 270Wh/kg của Tesla.
Về tiềm năng ứng dụng, nhà phân tích Sam Abuelsamid từ Guidehouse Insights nhận định rằng tốc độ sạc nhanh sẽ mang tới cơ hội sử dụng pack pin nhỏ hơn, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm trọng lượng xe và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tuy nhiên, tốc độ sạc quá nhanh cũng có thể khiến pin chóng xuống cấp, dễ rơi vào trạng thái chai pin và sau cùng, tốn của người dùng cả trăm triệu đồng để thay pin mới.
Song, theo thông báo của StoreDot, công nghệ pin XFC của họ không cho thấy dấu hiệu xuống cấp sau nhiều chu trình sạc thử nghiệm.
Cụ thể, StoreDot đã thử nghiệm sạc pin của mình theo điều kiện thực tế: Sạc nhanh từ 10% lên 80% trong 10 phút, sạc chậm từ 0% đến 10% và từ 80% đến 100%; kết quả sau 1000 chu trình không cho thấy dấu hiệu xuống cấp.
Theo chia sẻ của CEO StoreDot Doron Myersdorf, công nghệ pin này còn khoảng 2 đến 3 năm nữa mới tới giai đoạn thương mại hóa trên quy mô lớn. Với bối cảnh chuỗi cung ứng nguyên liệu ngày nay, StoreDot cần thành lập cho mình một nguồn cung vững chắc.
CEO StoreDot Doron Myersdorf cũng cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với một vài nhà cung cấp loại vật liệu mới này trên thế giới, một số ở Hàn Quốc, một số ở Mỹ, một số ở châu Âu. Sẽ mất vài năm để có thể nâng lên công suất đủ để đấu chi phí sản xuất của chì”.
Bên cạnh đó, StoreDot cũng cần làm việc với các nhà sản xuất xe đối tác để trang bị công nghệ pin này trên các mẫu xe khác nhau, đồng thời phát triển hệ thống giải nhiệt để đảm bảo pin hoạt động an toàn. Hiện có khoảng 15 hãng xe đang làm việc với StoreDot.
StoreDot là một start-up công nghệ thành lập từ năm 2012 tại Israel; đơn vị này đã thu hút đầu tư từ nhiều đơn vị trên thế giới như VinFast, Polestar, Daimler (công ty mẹ của Mercedes) hay cả ông lớn dầu khí BP.
Theo: tuoitre
Xem thêm bài liên quan
- Không chịu thua kém xe xăng, loạt xe điện tại Việt Nam giảm sâu dịp đầu năm mới: “Lá cờ Mỹ” Wuling giảm 40 triệu, VinFast cũng “có đáy”
- Bạn có thể sở hữu những mẫu xe thuần điện nào tại thị trường Việt Nam? Triển vọng phát triển thế nào trong tương lai?
- Xe ô tô điện đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng trạm sạc lại không tăng: Cần lắm những “cái bắt tay”